Nghi Lộc tập trung sản xuất cây trồng sau mưa lũ

Thứ hai - 17/10/2022 03:46
Mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 vừa qua đã gây thiệt hại khá lớn đối với các loại cây trồng trên địa bàn huyện Nghi Lộc, nhất là rau màu các loại. Ngay sau khi dứt đợt mưa, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các địa phương đã chỉ đạo nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Đợt mưa lớn, kéo dài do hoàn lưu bão số 4 đã ảnh hưởng nặng đến 60 ha hành tăm của xã Nghi Thuận. Sau mưa, hầu hết cây hành bị khô đầu lá. Rải rác một số diện tích vùng thấp trũng bị ngâm nước nhiều ngày tại các xóm Bắc Nhân Hòa, Nam Nhân Hòa, Bình Thuận, Rú Thần xảy ra hiện tượng rễ hành bị thối làm cho cây trồng này bị suy nặng, thậm chí là bị chết. Khi tiết trời tạnh ráo, bà con nông dân Nghi Thuận đã khẩn trương ra đồng chăm sóc cho cây hành tăm. Những ruộng hành bị mưa rửa trôi được bà con nạo vét và bồi đắp lại đất màu. Những diện tích hành bị chết được kịp thời cấy dặm bổ sung. Tiếp đó, cây trồng này được bà con bón các loại phận như lân, kali, NPK và một số chất kích thích sinh trưởng như siêu lân, hoạt chất ET cũng như phun thuốc phòng trừ rầy, rệp, các loại bệnh gây hại thường có sau mưa lụt. Nhờ vậy, cây hành tăm của Nghi Thuận đã phục hồi, màu xanh đã trở lại trên đồng ruộng.
 Đó cũng là tinh thần khôi phục sản xuất sau mưa lũ của các địa phương trong huyện Nghi Lộc. Theo số liệu tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện, đợt mưa lớn vừa qua đã gây thiệt hại 277 ha lúa hè thu – mùa; 603 ha ngô, hoa màu, rau màu. Ngay khi kết thúc bão số 4, ngày 28/9/2020, UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành Công văn số 1510/UBND.NN về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất và khắc phục hậu quả do mưa bão. Thực hiện chỉ đạo của huyện, nhiều địa phương đã tổ chức thu dọn bèo tây trên các kênh mương, nạo vét khơi thông dòng chảy, tiêu úng cho đồng ruộng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các xã tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn lúa, diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Những diện tích lúa mùa đang giai đoạn chắc xanh bị đổ do mưa gió đã được nông dân cột lên thành chụm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông. Tại các cánh đồng màu, sau khi nước rút khỏi chân ruộng, bà con nông dân tiến hành xới xáo phá váng, vun gốc tạo thông thoáng, chống nghẹt rễ, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng, bổ sung phân lân, NPK… tạo điều kiện cho số cây trồng còn có khả năng hồi phục sau lụt được sinh trưởng, phát triển tốt.  
Còn đối với diện tích có cây trồng bị mất trắng do mưa lụt hoặc chưa sản xuất được, ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn chỉ đạo nông dân tiến hành khâu làm đất để triển khai gieo trồng các loại cây vụ đông, đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Xã Nghi Văn vừa qua đã sản xuất được 35 ha ngô đông. Sau mưa lụt chỉ có 10 ha còn phục hồi được. Số còn lại không phát triển đã được nông dân thu hoạch sớm làm thức ăn cho trâu bò để làm đất tiếp tục gieo trỉa lại cây ngô trước ngày 25/10. Xác định vụ đông đem lại giá trị kinh tế cao nên UBND xã Nghi Long đã chỉ đạo các xóm triển khai ngay công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất này. Theo đó, tại các chân ruộng khi đã được rút nước, bà con nông dân tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm đất. Đồng thời, công tác chuẩn bị giống, phân bón cho sản xuất vụ đông cũng được bà con quan tâm. Nhiều hộ gia đình đã ươm sẵn cây giống các loại như su hào, bắp cải, súp lơ để khi mọi nhà có nhu cầu là cung ứng được ngay. Vụ đông này, Nghi Long trồng 0,5 ha hoa cúc, hoa ly. Từ trung tuần tháng 10, các gia đình đã đặt hàng các loại giống hoa này tại những địa chỉ đáng tin cậy để cho kịp thời vụ sản xuất.
Theo kế hoạch, vụ đông năm nay toàn huyện sản xuất 1.415 ha ngô, 212,5 ha lạc, 923,8 ha rau, đậu đỗ các loại và 35 ha khoai tây. Thời tiết xấu vừa làm chậm tiến độ gieo trồng, vừa ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây. Ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Khó khăn là vậy nhưng quan điểm của huyện là tiếp tục chỉ đạo phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu vụ đông đã đề ra với phương châm sản xuất an toàn và phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, thường xuyên theo giõi diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại. Thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh hại để cây trồng phát triển có hiệu quả”.
Anh 3638013571365018607
Ảnh: Nông dân xã Nghi Thuận chăm bón cây hành tăm sau mưa lũ

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây