Phát huy giá trị Di tích lịch sử đền Đức Vua

Thứ hai - 05/08/2024 06:10
Tháng 9/2014, đền Đức Vua ở xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện các hạng mục công trình đền xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được tôn tạo, trùng tu để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, khoa học, mỹ thuật của di tích này.

Đền Đức An Dương Vương được xây dựng từ thời Hậu Lê hiện nay nằm trên địa phận xóm 2, xã Nghi Xá, là nơi thờ Thục Phán An Dương Vương, nhân vật lịch sử có công thống nhất bờ cõi, xây dựng nhà nước chính quyền Âu Lạc, xây dựng Loa Thành, rèn đúc vũ khí bảo vệ đất nước,… Ghi ơn những công lao của ông, nhân dân nhiều nơi đã tôn ông làm thần, lập đền thờ phụng. Nghi Xá xưa kia là vùng đất ven biển. Từ buổi đầu khi dấu chân ngựa của Đức Vua An Dương Vương chạy đến đây đến nay đã hơn 2000 năm, lịch sử và địa lý đã có sự biến đổi rất nhiều, nhưng vị trí ngôi đền toạ lạc vẫn là một vùng bằng phẳng, rộng rãi nơi trung tâm xã Nghi Xá hiện nay.

Đền Đức Vua ở xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc)
Đền Đức Vua ở xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc)

Theo các tài liệu lịch sử, đền Đức Vua ở Nghi Xá được nhân dân xây dựng ban đầu chỉ có 1 nhà 3 gian lợp bằng tre đơn giản. Dần về sau đền được tu bổ, xây dựng ngày một quy mô. Đến đầu thời Nguyễn đền có quy mô đồ sộ với Tam quan, nhà Hạ điện, Thượng điện, Tả - Hữu vu, giếng Hàng. Đền Đức Vua ngoảng mặt hướng Tây Bắc, trong khuôn viên đền hiện có các công trình: vườn, sân trước, giếng Hàng, nhà Bái đường và Hậu cung. Riêng cổng đền trước đây rất to, đẹp, được tạo bởi hai cột trụ, thân cột có viết câu đối bằng chữ Hán, trên đỉnh có đôi nghê chầu uy nghi. Di tích giếng Hàng tương truyền chính là dấu chân ngựa của Đức Vua An Dương Vương.

Về sau nhân dân đã dùng đá ong xây chèn lên nhau tạo thành ngôi giếng không bao giờ cạn nước. Bà con trong vùng vẫn thường đến giếng Hàng xin nước về để nấu cơm, nấu nước uống rất ngon. Còn nhà Bái đường gồm 3 gian, 2 hồi xây bít đốc, mái nhà lợp ngói tây nhưng 4 góc mái đều vuốt cong, đắp họa tiết; bài trí thờ phụng tại gian giữa. Qua nhà Bái đường là sân lộ thiên, có hệ thống đường nối liền nhà Bái đường và Hậu đường. Nhà Hậu đường xây bằng gạch vữa xi măng, phần trên lợp ngói mũi, trên tường hai bên có đắp nổi phù điêu ngựa hồng và ngựa bạch. Còn nhà Hậu cung của đền được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn gồm 3 gian, 1 hồi, xây tường bít đốc, mái lợp ngói tây, nền láng xi măng, trên trụ quyết có nghê chầu, bờ dải đắp hình đôi rồng chầu, ván gió hai bên trang trí họa tiết rồng uốn lượn và văn tự Hán ghi lại năm tu tạo đền.

Đền Đức Vua từ xa xưa trở thành trung tâm văn hóa của một vùng rộng lớn. Hàng năm, các hội giáp từ các làng xung quanh đều về tế lễ tại đền. Thường cứ 3 năm một lần đền Đức Vua tổ chức lễ hội lớn vào tiết khai hạ đầu xuân gọi là “Lễ kỳ phúc” (cầu phúc). Khai mạc là lễ rước Thành hoàng từ đền Thiên Cương ở làng Yên Long - nơi nhà thờ quân thần, tướng sỹ của Đức Vua An Dương Vương và rước các vị thần ở các đền xung quanh về tế như đền Mai Lâm, đền Vực, đền làng Đồng Vồng, đền làng Ngọc Bội,… Lễ hội tại đền diễn ra rất long trọng, kéo dài 2-3 ngày, chính lễ diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng. Phần hội rất náo nhiệt với nhiều trò chơi, hát xướng, diễn tuồng. Ngoài “Lễ kỳ phúc”, thì mỗi khi trong làng có dịch bệnh hay gặp tai hoạ gì, đều tổ chức cúng tế tại đền gọi là “Lễ kỳ yên” (cầu yên lành). Còn năm trời hạn hán kéo dài thì nhân dân tổ chức “Lễ cầu đảo” (cầu mưa) tại đền rất linh nghiệm. Đây là những nét đẹp văn hóa rất riêng của vùng đất này.

Cũng tại ngôi đền này đã ghi lại bao dấu ấn và sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng của dân tộc. Thời kỳ 1945 - 1947 đền thờ với khuôn viên rộng đã được sử dụng tổ chức các lớp “bình dân học vụ”. Năm 1947, theo chủ trương chung “tiêu thổ” chống Pháp, tất cả đình, đền trong các làng thuộc xã Nghi Xá ngày nay đều bị dỡ trừ Thượng điện thờ Thục Phán An Dương Vương, còn thần vị và đồ tế được dỡ chuyển hợp tự về chùa Lữ Sơn và đền làng Xuân Áng; khung nhà làm kho cất giữ lương thực. Riêng tòa Hậu cung giữ nguyên để thờ phụng. Những năm 1954 - 1955, nhà Thượng điện đền Đức Vua được chọn làm nơi hội họp của Chi bộ Đảng xã Xá Lĩnh (chi bộ chung của 3 xã Nghi Quang, Nghi Hợp, Nghi Xá). Từ năm 1983 đền thờ là nơi làm việc của Hợp tác xã Nghi Xá.

Với bề dày truyền thống đó, nên dù có nhiều thăng trầm, biến cố, đến nay đền Đức Vua vẫn được nhân dân vùng Nghi Xá giữ gìn bảo vệ, là địa điểm sinh hoạt văn hóa, hội hè, tế lễ đặc sắc của cả vùng Thượng Xá và Mỹ Xá, có giá trị giáo dục truyền thống của địa phương. Chính vì vậy, ngôi đền này đã và đang góp phần làm phong phú thêm hệ thống di sản văn hóa quý báu của dân tộc: Từ việc chọn vị trí xây dựng đền cũng như việc bố trí công trình kiến trúc, kết cấu khung nhà theo lối kiến trúc cổ của người Việt cho thấy sự hài hòa giữa những tính toán mang tính khoa học với yếu tố tâm linh.

Trao đổi với chúng tôi về sự xuống cấp của đền, ông Võ Văn Đình - Chủ tịch UBND xã Nghi Xá cho biết: “Địa phương có kế hoạch bảo vệ, nghiên cứu, phục dựng lại gian Thượng điện, Trung điện, khuôn viên, cổng Tam quan,… khôi phục và duy trì lễ hội truyền thống tại đền, nhưng đến nay vẫn chưa làm được gì vì không có kinh phí”. Địa phương đang kêu gọi xã hội hóa, sự đóng góp công đức, mời gọi đầu tư của con em trên mọi miền đất nước, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của cán bộ và nhân dân để từng bước trùng tu lại di tích; xác định đây là việc làm thiết thực, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước có tính giáo dục sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Mặt khác, việc phát huy khôi phục Lễ hội Đền Đức Vua còn là điều kiện để giao lưu, hội nhập giữa xã Nghi Xá nói riêng, huyện Nghi Lộc nói chung với mọi miền đất nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trung Tĩnh - CCVH Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây